TCCT Trước khi chính thức được phê duyệt chủ trương lên quận, Đông Anh là địa bàn sôi động bởi hàng loạt dự án đầu tư hạ tầng giao thông, bất động sản lớn đã và đang được triển khai.
Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội huyện Đông Anh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, xác định xây dựng Đông Anh thành trung tâm công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ tài chính thương mại và giao dịch quốc tế phía Bắc sông Hồng, đóng vai trò là động lực phát triển ở phía Bắc của Thủ đô.
Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 cũng xác định Đông Anh là khu vực đô thị trung tâm được phát triển mở rộng từ khu vực nội đô về phía Bắc thành phố Hà Nội với chức năng phát triển thương mại, giao dịch quốc tế, công nghiệp kỹ thuật cao, du lịch sinh thái, giải trí gắn với bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa truyền thống khu di tích Cổ Loa, khai thác cảnh quan sông Thiếp và đầm Vân Trì; trung tâm triển lãm, thương mại Hà Nội (EXPO) và vui chơi giải trí của Thành phố.
Có thể nói, so với các huyện ngoại thành của Hà Nội thì Đông Anh là khu vực có tốc độ đô thị hóa cao vượt trội, diện mạo của huyện thay đổi rõ rệt qua từng năm. Đặc biệt Đông Anh có lợi thế về hạ tầng khi có 3 cây cầu lớn là cầu Đông Trù đồng bộ với tuyến đường 5 kéo dài; cầu Nhật Tân kết nối quận Tây Hồ với trục đường Võ Nguyên Giáp đi Nội Bài; cầu Thăng Long kết nối với quận Bắc Từ Liêm, đồng bộ với tuyến Vành đai 3 của Hà Nội.
Từ thời điểm năm 2018 – 2019 đến nay trên địa bàn Đông Anh có hàng loạt dự án đầu tư lớn đã, đang được triển khai.
Xem thêm: Dự án Vinhomes Golbal Gate Đông Anh
Đầu tư gần 5.000 tỷ đồng làm đường vành đai 3 qua Đông Anh
Mới đây nhất, đầu tháng 7/2023 UBND TP. Hà Nội đã có Tờ trình gửi HĐND Thành phố về việc thông qua chủ trương điều chỉnh dự án, phê duyệt chủ trương đầu tư và phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án đầu tư công của thành phố.
Theo đó, về phê duyệt chủ trương đầu tư, UBND thành phố kiến nghị phê duyệt chủ trương đầu tư cho 49 dự án, gồm 2 dự án nhóm A, 39 dự án nhóm B và 8 dự án nhóm C, với tổng mức đầu tư dự kiến 30.901 tỷ đồng.
Trong đó, đáng chú ý là dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 3 đoạn qua địa bàn huyện Đông Anh thuộc nhóm A, với tổng mức đầu tư 4.988 tỷ đồng. Vốn đầu tư dự án sẽ được sử dụng từ hai nguồn ngân sách, bao gồm ngân sách thành phố 2.711 tỷ đồng và ngân sách huyện Đông Anh 2.277 tỷ đồng.
Theo kế hoạch trung hạn 5 năm 2021-2025 cấp thành phố sau rà soát, điều chỉnh, nhu cầu vốn cho dự án trên là 800 tỷ đồng. Với số vốn này, UBND thành phố cho biết đảm bảo khả năng cân đối và đủ điều kiện để trình HĐND Thành phố.
Sớm khởi công Dự án Thành phố thông minh Bắc Hà Nội gần 4,2 tỷ USD
Dự án Thành phố thông minh Bắc Hà Nội (North Hanoi Smart City) do Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản) và Tập đoàn BRG cùng làm chủ đầu tư, với mục tiêu trở thành trung tâm đô thị quốc tế hiện đại hàng đầu của Việt Nam.
Dự án có tổng vốn đầu tư gần 4,2 tỷ USD (tương đương hơn 96.000 tỷ đồng), được lập dựa trên quy hoạch đô thị thông minh dọc trục Nhật Tân – Nội Bài, kết nối trung tâm Hà Nội với Cảng hàng không quốc tế Nội Bài.
Dự án có diện tích 272ha tọa lạc tại các xã Hải Bối, Vĩnh Ngọc và Kim Nỗ được UBND TP. Hà Nội chấp thuận chủ trương đầu tư vào tháng 8/2018, động thổ ngày 6/10/2019, đến tháng 5/2020 được điều chỉnh chủ trương đầu tư.
Dự kiến khi hoàn thành toàn bộ 5 giai đoạn vào năm 2028, đây sẽ là tổ hợp chung cư cao cấp, căn hộ dịch vụ và shophouse thương mại cung cấp 6 giải pháp thông minh về các mặt năng lượng – giao thông – quản trị – giáo dục – kinh tế – đời sống.
Tháng 3/2023, tại buổi tiếp của Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh, ông Shiomi Keigo – Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Sumitomo khu vực châu Á và châu Đại dương bày tỏ mong muốn nhận được sự hỗ trợ của Lãnh đạo TP. Hà Nội để đẩy nhanh quá trình điều chỉnh quy hoạch 1/500 của Dự án, qua đó có thể nhanh chóng khởi công công trình trong năm 2023 – kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Nhật Bản.
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đánh giá cao ý nghĩa của dự án đối với sự phát triển của Hà Nội trong tương lai, đồng thời cho biết thời gian qua Thành phố đã chỉ đạo các sở, ngành tháo gỡ vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ dự án, đến nay, tiến độ giải phóng mặt bằng cơ bản đáp ứng yêu cầu. Trong quá trình triển khai dự án, Thành phố sẽ tiếp tục lắng nghe, đồng hành để giải quyết vướng mắc cho dự án, phấn đấu đẩy nhanh tiến độ, trước mắt, xúc tiến quá trình điều chỉnh quy hoạch 1/500 và triển khai một số hạng mục lớn.
Đến đầu tháng 6 vừa qua, HĐQT Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) đã ban hành Nghị quyết thông qua việc phát hành bảo lãnh cho Công ty CP Tập đoàn BRG. Cụ thể, SeABank sẽ bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ theo các thỏa thuận với Công ty CP Đầu tư Phát triển Thành phố thông minh Bắc Hà Nội với giá trị bảo lãnh 900 tỷ đồng.
Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia và Khu đô thị Vinhomes Cổ Loa
Dự án Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia và Khu đô thị mới Vinhomes Cổ Loa do Công ty Cổ phần Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam (VEFAC) và Tập đoàn Vingroup làm chủ đầu tư, tọa lạc tại các xã Xuân Canh, Đông Hội, Mai Lâm, huyện Đông Anh đã được UBND TP. Hà Nội duyệt Quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 tại Quyết định 2588/QĐ-UBND ngày 19/6/2020.
Dự án có tổng diện tích đất 385ha, với quy mô dân số dự kiến khoảng 38.100 người. Tổng vốn đầu tư Dự án khoảng 42.215,24 tỉ đồng, trong đó vốn đầu tư Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia khoảng 7.336,24 tỉ đồng.
Dự án nhằm cụ thể hoá các định hướng của Điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 702/QĐ-TTg ngày 28/5/2020 và Quy hoạch phân khu đô thị GN(A) đã được UBND Thành phố phê duyệt tại Quyết định số 2465/QĐ-UBND ngày 15/6/2020.
Dự kiến, Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia mới có diện tích 90ha, được thiết kế với một tổ hợp các công trình chức năng đồng bộ. Trong khi Khu đô thị Vinhomes Cổ Loa diện tích 295ha, dự kiến có các sản phẩm: Biệt thự đơn lập, song lập, liền kề, shophouse thương mại, chung cư, Tổ hợp khách sạn 5 sao và Văn phòng cao cấp.
Dự án Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia và Khu đô thị mới Vinhomes Cổ Loa khởi công vào quý IV/2021.
Đến cuối tháng 5/2023, Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 của VEFAC đã thông qua Tờ trình về kế hoạch phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu nhằm tăng vốn điều lệ. Dự kiến với tổng số tiền thu về gần 8.530 tỷ đồng từ đợt phát hành cổ phiếu, VEFAC sẽ dùng 1.467 tỷ đồng để bổ sung vốn thực hiện dự án Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia; gần 6.976 tỷ đồng để thực hiện dự án Khu đô thị mới tại huyện Đông Anh.
Cầu Tứ Liên – dẫn lối trục phát triển mới của Thủ đô
Nằm trong nhóm 10 cầu qua sông Hồng được xây dựng theo quy hoạch giao thông vận tải đến năm 2030, tầm nhìn 2050, cầu Tứ Liên, cây cầu dài bậc nhất bắc qua sông Hồng, được kỳ vọng sẽ tạo nên trục phát triển mới kết nối từ trung tâm Thủ đô tới Đông Anh và sân bay quốc tế Nội Bài, mở ra cơ hội phát triển về hạ tầng đô thị, bất động sản, thương mại không chỉ cho khu vực Tây Hồ – Đông Anh mà cả khu vực các tỉnh phía Bắc Thủ đô.
Theo quyết định phê duyệt kết quả tuyển chọn phương án thiết kế kiến trúc, địa điểm xây dựng cầu sẽ nằm giữa cầu Nhật Tân và cầu Long Biên, nối quận Tây Hồ với huyện Đông Anh; kết nối từ tuyến đường trục chính đô thị quy hoạch dọc đê Hữu Hồng với quốc lộ 5 kéo dài, thuộc địa bàn quận Tây Hồ, quận Long Biên và huyện Đông Anh.
Phạm vi dự kiến có điểm đầu giao với đường Nghi Tàm, điểm cuối qua nút giao quốc lộ 5, tổng chiều dài theo tuyến thẳng khoảng 4,8 km với 5 nút giao trong đoạn tuyến gồm: Nút giao Nghi Tàm; nút giao Hữu Hồng; nút giao kết nối bãi giữa; nút giao Tả Hồng; nút giao quốc lộ 5 kéo dài.
Việc hình thành cầu Tứ Liên sẽ giúp giải tỏa tình trạng ách tắc giao thông cho tuyến đê Âu Cơ – Nghi Tàm và các tuyến đường từ nội thành lên các tỉnh phía Bắc; đồng thời, người dân và nhà đầu tư cũng có thêm lựa chọn, kết nối dễ dàng với sân bay quốc tế Nội Bài từ trung tâm Hà Nội, bên cạnh 2 tuyến đường cũ là cầu Thăng Long và cầu Nhật Tân.
Theo thông tin mới nhất, Dự án đầu tư xây dựng cầu Tứ Liên và đường từ cầu Tứ Liên đến cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên đang triển khai thực hiện lập hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi dự án, dự kiến trình trong quý III/2023.
Sun World Kim Quy – “Disneyland” giữa lòng Thủ đô
Công viên văn hóa du lịch vui chơi giải trí Kim Quy (Sun World Kim Quy) là dự án công viên lớn nhất thủ đô Hà Nội tọa lạc tại xã Vĩnh Ngọc, Đông Anh. Dự án được đầu tư bởi Tập đoàn Sun Group với quy mô 101ha, tổng vốn đầu tư giai đoạn I khoảng 4.600 tỷ đồng.
Lần đầu tiên, Hà Nội có một công viên đẳng cấp quốc tế mô phỏng truyền thuyết lịch sử và mang đậm dấu ấn văn hóa của mảnh đất ngàn năm văn hiến. Công viên Kim Quy được thiết kế kết tinh giữa những nét văn hóa đặc sắc của vùng đất Cổ Loa và sự hiện đại của mô hình Universal Studios, Disneyland nổi tiếng toàn cầu. Bên cạnh khu tham quan, những trò chơi thực tế ảo, game giải trí công nghệ cao, hiện đại cùng công viên ngoài trời được thiết kế theo các chủ đề, còn có quần thể khu nghệ thuật, Làng văn hóa Kim Quy – nơi diễn ra các show diễn nghệ thuật lớn mang tầm quốc gia và quốc tế…
Dự án được động thổ ngày 2/9/2016. Sau khi giải quyết những khó khăn vướng mắc về giải phóng mặt bằng khiến dự án chậm triển khai thời gian qua, hiện dự án đang được Sun Group và UBND huyện Đông Anh cùng TP.Hà Nội triển khai với nỗ lực cao nhất. Một số nguồn tin cho biết, Sun Group cũng công bố tăng gấp đôi vốn đầu tư vào Công viên Kim Quy, theo đó dự kiến tổng đầu tư cho Dự án sẽ vào khoảng trên 10.000 tỷ đồng.
Bên cạnh những dự án kể trên, trên địa bàn Đông Anh hiện còn nhiều dự án bất động sản đã hoặc đang triển khai.
Đơn cử, Dự án khu phức hợp chung cư và nhà ở thấp tầng Eurowindow River Park tại Đường 5 kéo dài (Trường Sa), xã Đông Hội. Dự án có tổng diện tích 5ha, gồm 4 tòa chung cư, gần 140 lô shophouse và hơn 60 lô biệt thự liền kề, được đầu tư phát triển bởi Tập đoàn Eurowindow. Dự án này được khởi công xây dựng từ năm 2017, đến Quý IV/2022 bắt đầu bàn giao cho người mua.
Khu đô thị Nam Hồng do Tổng công ty Đầu tư Phát triển Hạ tầng đô thị (UDIC) làm chủ đầu tư, được xây dựng tại xã Nam Hồng trên diện tích 305 ha. Theo quy hoạch, phía Nam khu đô thị sẽ tiếp giáp với đầm Vân Trì; phía Đông tiếp giáp với đường Bắc Thăng Long – Nội Bài; phía Bắc và phía Tây giáp huyện Mê Linh. Dọc các trục đường lớn ở cả 3 phía Đông, Tây và Bắc của khu đô thị này sẽ được bố trí các công trình công cộng hỗn hợp (thương mại dịch vụ, khách sạn, văn phòng…) cao từ 9-15 tầng, có khả năng đáp ứng chỗ ở cho khoảng 14.000 người. Thông tin mới nhất cho biết, Dự án này sắp được mở bán…
Nguồn: tapchicongthuong.vn
Leave A Comment